WRITTEN BY

Talemy Blog Authors

Audrey Ngo

Marketing & Branding Executive

Talemy

SHARE THIS ARTICLE

10 minutes read

August 3, 2023

Khám phá đặc điểm Gen Z để quản lý nguồn nhân sự trẻ và tiềm năng

74% quản lý trong doanh nghiệp nhận định Generation Z là một bộ phận rất “khó chiều” và làm việc cùng. Vậy thế hệ này mong muốn gì trong quá trình làm việc?

Để chiều được Gen Z, trước hết hãy hiểu Gen Z
Để chiều được Gen Z, trước hết hãy hiểu Gen Z

— Generation Z đóng một vai trò quan trọng trong doanh nghiệp


Theo Nielsen, trong một bài viết với chủ đề “Kết nối thế hệ Z tại Việt Nam”, tính đến năm 2025, Gen Z (chỉ những người được sinh ra trong giai đoạn 1997 đến năm 2012) sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động Việt Nam. Đây là một thế hệ sống trong nền kinh tế thịnh vượng, công nghệ hội nhập nên họ có nhiều cơ hội thể hiện sự năng động, linh hoạt và bứt phá trong công việc. Trái lại, đây cũng được cho là một thế hệ “không hạnh phúc trong công việc” dẫn đến các thử thách cho doanh nghiệp về việc quản trị nhân sự Gen Z (1).


— Để chiều được Gen Z, trước hết hãy hiểu họ!


Theo khảo sát từ bài viết của Business Insider về góc nhìn của doanh nghiệp đối với nhân sự Gen Z, có tới 74% các quản lý, doanh nghiệp nhận định Gen Z là một bộ phận rất khó để làm việc cùng (2). Nguyên nhân dẫn tới con số đáng kể này tới từ trải nghiệm trực tiếp của họ khi làm việc với Gen Z, có thể kể đến các nhận định về Gen Z như: thiếu động lực, thiếu độ hiểu sâu, dễ buông bỏ thậm chí dễ nổi nóng kể cả với cấp trên, v.v.



74% nhà quản lý trong doanh nghiệp nhận định Gen Z là một bộ phận rất khó để làm việc cùng.



Nhưng dù ở bối cảnh nào đi chăng nữa, các doanh nghiệp cũng không thể phủ nhận Gen Z chính là nguồn nhân sự chính của họ trong hiện tại và tương lai, vậy mấu chốt nằm ở bài toán quản trị nhân sự Gen Z trong thời đại mới của doanh nghiệp.



Generation Z employees smiling at the camera




Dựa trên nghiên cứu độc lập về chủ đề Hành vi và Nhận thức tìm kiếm công việc (3) của Gen Z năm 2023, Talemy đã tiến hành tìm hiểu sâu hơn về những đặc điểm độc đáo của nhân sự Generation Z khi đi làm.

  1. Gen Z được trang bị nhiều kiến thức để làm hành trang định hướng công việc

Không bất ngờ khi CV của nhân sự mới ra trường (fresher) tràn ngập những kinh nghiệm làm việc, hoạt động trong câu lạc bộ và những giải thưởng học thuật cả trong nước và quốc tế. Điều này có thể lý giải bởi thế hệ Z sinh ra trong bối cảnh sau nền kinh tế Đổi Mới, nền giáo dục và công nghệ thông tin phát triển, trở thành một hành trang tốt để họ đối mặt với những thử thách trong một nền kinh tế luôn thay đổi chóng mặt (4).


Chính vì sự tự tin và lượng kiến thức lớn được trang bị, Gen Z hiểu rõ về định hướng công việc của bản thân (Theo khảo sát của Anphabe, 91% Gen Z tự tin họ biết rõ mình thích lĩnh vực công việc nào), và lương không còn là ưu tiên hàng đầu khi tìm kiếm công việc (chỉ có 18% Gen Z-ers tìm kiếm công việc mới với mục đích lương thưởng [5]). Thay vào đó, tệp nhân sự này tập trung vào việc xem xét công việc có phù hợp với những gì họ đã học suốt chặng đường học tập dài vừa qua hay không.


  1. Không chỉ là “flexing” mà còn thích cả “flex-ibility”: linh hoạt về cả thời gian lẫn không gian 

Theo khảo sát cho thấy, chỉ có 8% Gen Z muốn được giao tiếp thường xuyên với đồng nghiệp của mình, tuy nhiên, có đến 70% mong muốn một môi trường văn phòng (onsite) để có thể tập trung hơn vào công việc (3). Xu hướng làm việc độc lập và linh hoạt càng được phát triển kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát sinh ra hình thức làm việc từ xa (remote working) ngày càng phổ biến và được Gen Z ưa chuộng do tính linh hoạt về thời gian lẫn không gian. Việc tự lựa chọn khung giờ làm việc phù hợp với năng suất não bộ hoặc chọn những quán cà phê yêu thích luôn được thế hệ Z ưu tiên.


  1. Nhu cầu cao trong việc được đào tạo và phát triển

Theo tìm hiểu của Talemy, Generation Z có nhu cầu được học hỏi và đào tạo, nhất là những kỹ năng về chuyên môn công việc và kỹ năng mềm như quản lý mạng lưới kết nối hay giao tiếp (networking and communication). Theo thống kê (3), có tới hơn 90% Gen Z muốn xin phản hồi thường xuyên (feedback) để được sai trước và sau đó dần cải thiện hơn.


Đặc biệt, theo cuộc khảo sát của IBM về những kỳ vọng của nhân sự năm 2021 bao gồm thế hệ Gen Z, 54% Gen Z cho rằng họ mong muốn có một chương trình đào tạo và phát triển (training and development) rõ ràng từ doanh nghiệp (6). Điều này chứng tỏ Gen Z xem đây là trách nhiệm của doanh nghiệp và nó nằm trong quá trình phát triển bản thân của họ.


  1. Xu hướng ưu tiên các phúc lợi phi tiền tệ (non-monetary benefits)

Khoảng 65% Gen Z đưa văn hóa doanh nghiệp làm yếu tố quan trọng nhất khi cân nhắc công việc (3). Và có tới 80% Gen Z đánh giá cao cảm giác thuộc về nơi làm việc, khi họ được làm việc và nhận hỗ trợ từ các đồng nghiệp xung quanh (7). Trong các cuộc thảo luận của Gen Z khi nói về một công việc hay một công ty, thường các câu hỏi có thể được đặt ra sẽ là “Môi trường ở đó như thế nào?”, “Anh hoặc chị quản lý (leaders) của cô có ổn không?” hay các câu hỏi tương tự không liên quan tới lương thưởng. Điều này chứng tỏ mối quan tâm của Gen Z đang dần chuyển hướng sang các phúc lợi liên quan tới môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, và con người nơi làm việc. Giống như những đứa trẻ mong mỗi ngày đi học là một ngày vui thì đối với Gen Z cũng vậy, mỗi ngày đi làm phải là một ngày vui.

  1. Quan tâm tới các vấn đề xã hội (CSR), quyền lợi con người tại môi trường làm việc 

CSR (Corporate Social Responsibility) hay còn là Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định công việc và sự nghiệp của thế hệ này. Mặc dù còn trẻ, nhưng Gen Z đánh giá cao vấn đề nhân quyền và đạo đức tại nơi làm việc. Điều này cho thấy xu hướng bình đẳng, công bằng và văn minh đang dần trở nên rõ ràng hơn trong nhiều công ty dưới tác động của các nhân sự Generation Z. Theo nghiên cứu của tập đoàn Deloitte, việc thiết lập CSR vào hoạt động kinh doanh, cụ thể là có các sáng kiến tác động tích cực cho xã hội của doanh nghiệp, sẽ giúp tăng tỉ lệ giữ chân nhân sự Gen Z trên 5 năm cho công ty đó (8).



Handshake to indicate strengths and readiness



Gen Z đánh giá cao vấn đề xã hội, nhân quyền, và đạo đức tại nơi làm việc.


  1. Được nhận định là một thế hệ “trôi”: thiếu độ hiểu kỹ, hiểu sâu

Mặc dù "một nghề cho chín còn hơn chín nghề", dường như Generation Z đang theo đuổi xu hướng trải nghiệm, tham gia, học tập, và phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì gắn bó chỉ với một công việc hay một kỹ năng được đào sâu. Đặc biệt, với những khóa học ngắn hạn, trung hạn của Coursera, LinkedIn Learning, Gen Z còn được tiếp cận với rất nhiều kiến thức đa dạng. Mặc dù vậy, có tới 39% Gen Z trên toàn cầu thiếu các kỹ năng công nghệ cơ bản mặc dù sống trong thời đại 4.0 và có 36% thiếu các kỹ năng giao tiếp cơ bản – hai mảng kỹ năng được cho là ưu tiên quan trọng nhất trong tuyển dụng kiểu mới, theo báo cáo của IBM dựa trên chủ đề “Hướng dẫn doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách kỹ năng” (11).


Đây cũng là một hậu quả của những khoá học nêu trên. Trong cuốn sách 20 Tiếng Đầu tiên (The First 20 Hours), Josh Kaufman đã đề ra rằng, để phát triển một kỹ năng ở mức cơ bản và thực hiện ở mức tốt, một người chỉ cần tập trung trau dồi nó trong 20 tiếng. Việc trau dồi kỹ năng nhanh sẽ giúp giải quyết một số vấn đề ngắn và trung hạn. Nhưng nếu dựa trên quy tắc 10,000 giờ (thuyết được nghiên cứu từ những expert-level performers*), những khoá học ngắn hoặc mong muốn trải nghiệm liên tục sẽ khó để cho Gen Z có thể thuần thục một kỹ năng nào đó.


*Đối tượng tham gia nghiên cứu Quy tắc 10,000 giờ là những người đã được coi là chuyên gia, vậy nên để trở thành chuyên gia thuần thục một vấn đề, kỹ năng nào đó, ta cần đến 10,000 giờ.


Vậy nên, với một thế hệ trẻ, nhiều thông tin, nhiều khoá học ngắn và trung hạn, thiếu đi sự tập trung, khó có thể khiến cho Gen Z hiểu kỹ hoặc sâu một vấn đề, kỹ năng, hoặc một chủ đề nào đó.


  1. Điều gì khiến Gen Z thiếu chung thuỷ với công việc? 

Theo kết quả 1 cuộc khảo sát của Anphabe, tỉ lệ nhảy việc của Gen Z ngay trong năm đầu tiên lên tới 62%, thậm chí trong thời gian ngắn hơn (5). Đa số những lý do đằng sau sự thiếu “chung thuỷ" này lại đến từ thời gian và cách thức hoạt động của nhiều công ty. Nhiều Gen Z không coi công việc 9 đến 5 giờ là một công việc lý tưởng nữa (10), mà thay vào đó việc cố định về mặt thời gian sẽ tạo sự tù túng, và không thoải mái. Phong cách sống cân bằng, work-life balance, cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng tới độ cam kết của Gen Z (theo khảo sát của IBM, từ sau dịch COVID-19, 51% nhân sự trẻ đặt yếu tố cuộc sống cân bằng làm ưu tiên khi tìm kiếm công việc [6]).


Ngoài việc phát triển sự nghiệp, Gen Z cũng chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần. Điều này rất đúng với nhu cầu làm việc linh hoạt (flexible) nêu trên. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu đó, dẫn đến Gen Z được gắn mác là một thế hệ thiếu “sự chung thuỷ" với công việc.


Phong cách sống cân bằng, work-life balance, là yếu tố lớn ảnh hưởng tới độ cam kết của Gen Z.



  1. Góc nhìn của Gen Z đối với xu hướng lãnh đạo

Gen Z tin rằng Quản lý con người (Management skill) và Lãnh đạo (Leadership skill) là hai kỹ năng quan trọng nhất mà các CEO hiện nay cần phải trau dồi. Trong đó, 1 phần 3 cho rằng các CEO phải sở hữu Trí tuệ cảm xúc (28,8%), tiếp theo là Khả năng sáng tạo (24,3%) và cuối cùng là Khả năng tự nhận thức (24,3%). Như vậy, hướng đến năm 2050, Gen Zers mô tả các CEO tương lai là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người giao tiếp xuất sắc và người ra quyết định dựa trên dữ liệu chuẩn xác (9). Tuy nhiên, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu là kỹ năng mà Gen Z cảm thấy chưa được chuẩn bị đầy đủ. Ngoài ra, hơn 1 phần 3 cho rằng trình độ học vấn hiện tại của họ sẽ giúp xây dựng bộ kỹ năng Đàm phán, quản lý dự án linh hoạt và Trí tuệ cảm xúc.



Gen Z là một thế hệ mới, đầy bỡ ngỡ, nhưng họ được trang bị đủ kiến thức và có nhiều ước mơ riêng. Đặc biệt, trong thời đại liên kết hiện nay, Gen Z đồng hành với các phong trào tôn vinh cá nhân như Free Speech Movement (Chiến dịch Vận động tự do ngôn luận), là một trong những phong trào nảy sinh từ thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi sinh viên. Vì vậy, việc theo đuổi ước mơ và đặt bản thân lên hàng đầu luôn là điều mà Gen Z khao khát.


Gen Z là một thế hệ đầy cá tính và tiềm năng phát triển, họ đại diện cho tương lai của xã hội. Các công ty cần phải thay đổi cách tư duy và chuyển mình để phù hợp với thời đại, không phải để nhún nhường mà để tạo môi trường phát triển thích hợp, trở thành một nơi đáng tin cậy cho Gen Z cống hiến và phát triển.

Talemy

In search of a way to provide everyone the best place to shine.

Ho Chi Minh, Vietnam

Tran Thi Vung

Linh Tay, Thu Duc

Partner with us

Talemy

In search of a way to provide everyone the best place to shine.

Ho Chi Minh, Vietnam

Tran Thi Vung

Linh Tay, Thu Duc

Partner with us

Talemy

In search of a way to provide everyone the best place to shine.

Ho Chi Minh, Vietnam

Tran Thi Vung

Linh Tay, Thu Duc

Partner with us