VI

Mô hình Năm Yếu Tố (FFM) là gì?

Mô hình Năm Yếu Tố (FFM) là một mô hình lý thuyết được công nhận rộng rãi trong tâm lý học, phân loại các đặc điểm tính cách thành năm nhóm chính: Hướng ngoại (Extraversion), Dễ chịu (Agreeableness), Tận tâm (Conscientiousness), Bất ổn cảm xúc (Neuroticism) và Cởi mở với trải nghiệm (Openness to Experience). Về cơ bản, mô hình này cho rằng đa số các đặc điểm tính cách có thể được nhóm vào năm yếu tố lớn này. Mỗi tính chất tiếp tục được chia nhỏ thành các khía cạnh cụ thể hơn nằm trong yếu tố đó để phản ánh sự khác biệt tinh tế giữa từng cá nhân độc lập.

Được phát triển qua nhiều thập kỷ, các ý tưởng đằng sau FFM bắt nguồn từ những nghiên cứu đầu thế kỷ 20 nhưng chỉ đạt được sự đồng thuận rộng rãi vào những năm 1990. Mô hình này giúp các nhà nghiên cứu và chuyên gia hiểu cách các đặc điểm tính cách kết hợp với nhau để tạo nên một bức tranh toàn diện về phong cách cảm xúc, giao tiếp và động lực của một cá nhân.

Năm Yếu Tố Chính và Các Khía Cạnh

Mô hình Năm Yếu Tố (FFM) bao gồm nhiều phiên bản khác nhau, nhưng nổi bật nhất là Thang đo Khía cạnh của Big Five (BFAS) do DeYoung, Quilty và Peterson (2007) phát triển. Mô hình này tập trung vào hai khía cạnh chính trong mỗi yếu tố của FFM, tức là mỗi yếu tố sẽ được cấu thành từ hai khía cạnh chủ đạo.

1. Hướng Ngoại (Extraversion - E)

Yếu tố này thường liên quan đến tính hướng ngoại, sự quyết đoán, mức độ hoạt động xã hội và cảm xúc tích cực. Dù thông thường yếu tố này được gắn liền với tính hòa đồng, một số nghiên cứu cho rằng cốt lõi của yếu tố này là sự nhạy cảm với những cảm xúc tích cực. Những người có điểm E cao thường năng động và hòa đồng, trong khi người có điểm E thấp lại thích sự riêng tư và suy ngẫm nội tâm nhiều hơn. Yếu tố này là kết hợp của hai khía cạnh:

  • Sôi nổi (Enthusiasm) – Xu hướng tìm kiếm những tương tác xã hội.

  • Quyết đoán (Assertiveness) – Mức độ chủ động và sẵn sàng bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn và trực tiếp.

2. Dễ Chịu (Agreeableness - A)

Yếu tố này phản ánh các đặc điểm như trắc ẩn, hợp tác, tin tưởng và lịch thiệp, bao gồm các đặc điểm thể hiện giữa người với người, như lòng vị tha, sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ cảm xúc cho nhau. Người có điểm A cao thường thân thiện và dễ gần, trong khi người có điểm A thấp có xu hướng thích cạnh tranh hoặc thách thức người khác.

  • Trắc ẩn (Compassion) – Khả năng đồng cảm, sự ấm áp và sự quan tâm đến người khác.

  • Lịch thiệp (Politeness) – Xu hướng cư xử nhã nhặn, tôn trọng và tránh xung đột với mọi người và với những quy chuẩn xã hội.

3. Tận Tâm (Conscientiousness - C)

Yếu tố này liên quan đến tính tổ chức, trách nhiệm, kiên trì và hướng đến mục tiêu. Người có điểm C cao thường cẩn thận, ngăn nắp, kỷ luật và có tinh thần cầu tiến. Ngược lại, người có điểm C thấp có xu hướng linh động và tùy hứng hơn.

  • Siêng năng (Industriousness) – Mức độ chăm chỉ và tập trung vào mục tiêu.

  • Ngăn nắp (Orderliness) – Xu hướng yêu thích môi trường có tổ chức và hệ thống.

4. Bất Ổn Cảm Xúc (Neuroticism - N)

Yếu tố này phản ánh độ nhạy cảm với các cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn bã và cáu kỉnh. Người có điểm N thấp thường ổn định và điềm tĩnh nhưng có thể bị đánh giá là vô cảm, thờ ơ. Người có điểm N cao lại nhạy cảm và phản ứng nhanh với cảm xúc tiêu cực hơn, và cũng thường dễ bất an, thiếu ổn định về mặt cảm xúc.

  • Lảng tránh (Withdrawal) – Mức độ dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc.

  • Biến động cảm xúc (Volatility) – Tốc đố thay đổi trạng thái cảm xúc.

5. Cởi Mở với Trải Nghiệm (Openness - O)

Yếu tố này bao gồm các đặc điểm liên quan đến trí tưởng tượng, sự tò mò đối với kiến thức, nhạy cảm với thẩm mỹ và xu hướng tư duy phi truyền thống - phá cách. Người có điểm O cao thường sáng tạo, thích tư duy trừu tượng và lập luận logic. Ngược lại, người có điểm O thấp có xu hướng thực tế, hành động trực tiếp và đi theo các giá trị truyền thống nhiều hơn

  • Trí tuệ (Intellect) – Mức độ yêu thích tư duy trừu tượng và giải quyết vấn đề phức tạp.

  • Thẩm mỹ (Aesthetics) – Sự trân trọng đối với nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo.

ỨNG DỤNG THỰC TẾ

  1. Tâm lý lâm sàng:
    Các nhà trị liệu và chuyên gia tâm lý có thể sử dụng FFM để hiểu rõ hơn về tính cách của khách hàng, từ đó xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp và dự đoán phản ứng của họ với các phương pháp trị liệu khác nhau.


  2. Phát triển bản thân:
    Mô hình Big Five giúp cá nhân tự nhìn nhận và phát triển bản thân, xác định điểm cần cải thiện và tận dụng thế mạnh trong các mối quan hệ cá nhân cũng như định hướng sự nghiệp. (Ví dụ, một người có thể rèn luyện sự quyết đoán để nâng cao khả năng lãnh đạo.)


  3. Giáo dục:
    Giáo viên và cố vấn hướng nghiệp có thể áp dụng FFM để hỗ trợ học sinh trong việc tìm ra phương pháp học tập hiệu quả và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, đồng thời giúp họ khắc phục những điểm yếu trong tính cách và phát huy điểm mạnh xuyên suốt quá trình giáo dục và phát triển.


  4. Nghiên cứu và học thuật:
    FFM là mô hình nền tảng trong nghiên cứu tâm lý học, giúp phân tích hành vi và tính cách con người trong nhiều nền văn hóa và bối cảnh khác nhau, đóng góp vào sự phát triển của các lý thuyết tâm lý.


  5. Xây dựng đội nhóm:
    FFM có thể được ứng dụng để cải thiện sự phối hợp trong nhóm bằng cách hiểu rõ tính cách của từng thành viên. Chẳng hạn, người có tính ngăn nắp cao sẽ giỏi trong việc chú ý đến chi tiết, trong khi người có tính ngăn nắp thấp lại có thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ rộng hơn.


  6. Đánh giá nghề nghiệp:
    Nhiều tổ chức sử dụng bài đánh giá dựa trên FFM để tối ưu hóa quy trình tuyển dụng. Ví dụ, những người có mức độ tận tâm cao thường tuân thủ tốt các quy định tại nơi làm việc, trong khi người hướng ngoại có thể phù hợp với các công việc đòi hỏi nhiều tương tác xã hội v..v.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mô hình Năm Yếu Tố (FFM) trong tâm lý học tính cách được phát triển dựa trên hai hướng tiếp cận chính: phương pháp ngôn ngữ học (lexical approach) và phương pháp bảng hỏi (questionnaire-based approach), với phân tích nhân tố đóng vai trò cốt lõi trong cả hai phương pháp.

  1. Vai trò của phân tích nhân tố:

Phân tích nhân tố là một kỹ thuật thống kê dùng để rút gọn một tập hợp lớn các biến số thành một số ít các yếu tố cốt lõi bằng cách xem xét mối quan hệ giữa chúng. Trong cả hai phương pháp ngôn ngữ học và bảng hỏi, công cụ này giúp xác định năm yếu tố tính cách chính. Các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp trích xuất (như phân tích thành phần chính - principal components analysis hoặc phân tích trục chính - principal-axis factoring) và các kỹ thuật xoay nhân tố (như varimax hoặc oblimin) để tìm ra cấu trúc hợp lý. Quyết định giữ lại bao nhiêu yếu tố thường dựa trên tiêu chí như giá trị riêng (eigenvalues).

  1. Phương pháp ngôn ngữ học:

Cách tiếp cận này dựa trên "giả thuyết ngôn ngữ cơ bản," cho rằng những khác biệt quan trọng nhất trong tính cách được phản ánh trong ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu như Goldberg (1981, 1990, 1993) đã tập hợp danh sách các tính từ liên quan đến tính cách xuất hiện trong ngôn ngữ hàng ngày. Bằng cách áp dụng phân tích nhân tố vào các từ này, họ đã xác định được các nhóm đặc điểm tính cách cốt lõi. Sự xuất hiện nhất quán của năm yếu tố tính cách trong nhiều ngôn ngữ và nhóm dân cư khác nhau đã củng cố mô hình Big Five. Trước đó, Norman (1963) đã tìm cách làm rõ và tách biệt các biến số bằng cách loại bỏ những từ không phù hợp, trong khi Peabody (1987) và Goldberg (1990) sử dụng phương pháp lấy mẫu đại diện để xây dựng các tiêu chí đánh giá đáng tin cậy cho Big Five.

  1. Phương pháp bảng hỏi:

Cách tiếp cận này tập trung vào việc xây dựng các bảng hỏi tự đánh giá để đo lường các đặc điểm tính cách. Trước đây, Eysenck đã sử dụng phân tích nhân tố trên các câu hỏi khảo sát để xác định các yếu tố quan trọng như Hướng ngoại (Extraversion) và Bất ổn cảm xúc (Neuroticism). Sau đó, Costa và McCrae (1985) đã phát triển bài kiểm tra tính cách NEO, ban đầu chỉ tập trung vào Neuroticism, Extraversion và Openness to Experience, nhưng sau đó mở rộng thêm Agreeableness và Conscientiousness. Giống như phương pháp ngôn ngữ học, phân tích nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các câu hỏi nào thể hiện chính xác nhất từng yếu tố tính cách và giúp xây dựng các thang đo đáng tin cậy.

  1. Sự phát triển cấu trúc phân cấp trong mô hình FFM:

FFM được coi là một mô hình phân cấp, trong đó năm yếu tố chính nằm ở cấp cao nhất và chia nhỏ thành các đặc điểm cụ thể hơn. Chẳng hạn, bài kiểm tra NEO-PI-R của Costa và McCrae chia mỗi yếu tố lớn thành sáu khía cạnh nhỏ hơn. Những nghiên cứu gần đây, như của DeYoung et al. (2007), đã tiếp tục mở rộng cấu trúc này bằng cách xác định hai khía cạnh liên quan bên trong mỗi yếu tố Big Five thông qua phân tích nhân tố trên dữ liệu từ Kho mục tính cách quốc tế (International Personality Item Pool - IPIP).

Việc kết hợp cả hai phương pháp—từ ngôn ngữ tự nhiên và bảng hỏi có cấu trúc—cùng với các kỹ thuật thống kê chặt chẽ như phân tích nhân tố, đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và xác nhận độ tin cậy của Mô hình Năm Yếu Tố trong nghiên cứu về tính cách.

VỀ BÀI ĐÁNH GIÁ TÍNH CÁCH CỦA MYTALE

Bài kiểm tra Mytale dựa trên Big Five Aspect Scales (BFAS), một công cụ công khai được thiết kế để đánh giá mười khía cạnh của năm đặc điểm tính cách Big Five. Được phát triển từ các mục hỏi trong IPIP, BFAS sử dụng phương pháp phân tích nhân tố trục chính trong mỗi lĩnh vực. Các mục được chọn dựa trên hệ số tải nhân tố và việc điều chỉnh sự cân bằng các mục. Độ tin cậy kiểm tra lại cũng đã được xác nhận.

Bài kiểm tra bao gồm 100 câu khẳng định, như "Tôi thường xuyên buồn" hoặc "Tôi thường xuyên khen ngợi người khác." Bạn sẽ cần cho biết mức độ đồng ý của bạn với mỗi câu. Những câu này đã được lựa chọn cẩn thận từ nguồn như trên. Mặc dù mỗi câu có thể được hiểu theo cách khác nhau, nhưng điểm số tổng thể — dựa trên nhiều câu trả lời — đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy bởi các phương pháp và logic đằng sau những câu hỏi. Khác với một số bài kiểm tra sử dụng từ đơn hoặc câu hỏi đầy đủ, bài kiểm tra này cân bằng giữa việc sử dụng các câu khẳng định cụ thể mà vẫn đủ mở / chung để đánh giá đúng hành vi và cách mỗi người nhìn nhận về bản thân. Khi nhận kết quả, bạn sẽ tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống chấm điểm của tụi mình sử dụng trên thang đo 5 điểm, với kết quả được trình bày dưới dạng xếp hạng phần trăm, cho thấy tính cách của bạn như thế nào so sánh với những người khác trong xã hội.

NGUỒN THAM KHẢO

Block, J. (2010). The Five-Factor Framing of Personality and Beyond: Some Ruminations. Psychological Inquiry, 21(1), 2–25. https://doi.org/10.1080/10478401003596626


DeYoung, C. G., Quilty, L. C., & Peterson, J. B. (2007). Between facets and domains: 10 aspects of the big five. Journal of Personality and Social Psychology, 93(5), 880–896. https://doi.org/10.1037/0022-3514.93.5.880


Goldberg, L. R. (1992). The development of markers for the Big-five factor structure. Psychological Assessment, 4(1), 26–42. https://doi.org/10.1037/1040-3590.4.1.26


McCrae, R. R., & John, O. P. (1992). An Introduction to the five-factor Model and Its Applications. Journal of Personality, 60(2), 175–215. https://doi.org/10.1111/j.1467-6494.1992.tb00970.x

Chúng mình thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng từ việc thấu hiểu bản thân, để mỗi người có thể tìm ra nơi họ tỏa sáng nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Liên hệ

0393 913 629

Chúng mình sẽ phản hồi trong 24 giờ

Chúng mình thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng từ việc thấu hiểu bản thân, để mỗi người có thể tìm ra nơi họ tỏa sáng nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Liên hệ

0393 913 629

Chúng mình sẽ phản hồi trong 24 giờ

Chúng mình thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng từ việc thấu hiểu bản thân, để mỗi người có thể tìm ra nơi họ tỏa sáng nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Liên hệ

0393 913 629

Chúng mình sẽ phản hồi trong 24 giờ